Lễ hội Cầu Ngư
Bãi biển Đà Nẵng
Tổng quan:
Lễ hội Cầu ngư của cư dân vạn chài TP Đà Nẵng được tổ chức với nhiều hoạt động trang nghiêm, mang đậm sắc thái văn hóa truyền thống của ngư dân miền biển duyên hải Trung bộ.
Khám phá:
Theo Ban tổ chức, ngày đầu thiết lễ tiên thường, ngày sau là lễ tế chính thức. Mở đầu, Ban Nghi lễ và đông đảo bà con ngư dân thành kính bày trên bàn thờ chính nghiều lễ vật, hương, đèn… và tiến hành Lễ Nghinh ông (đón cá ông, cá voi), Lễ Cầu an, Cầu ngư. Trong khi đó, nhiều tàu thuyền đánh cá được trang trí đèn, hoa tiên hành l rước trên biển.
Tại các lễ này, Ban nghi lễ chọn ra một người cao tuổi, có uy tín với bạn chài, gia đình không mắc tang chế để làm chánh lễ.
Vị chánh lễ sẽ bái dâng đồ tế lễ (không được dùng hải sản) và đọc văn tế nói lên lòng biết ơn của dân làng đối với công đức Cá Ông và cầu mong mùa đánh bắt bội thu, thuyền bè đi khơi về lộng an toàn; bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ các bậc tiền nhân quá cố và cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, cầu một mùa đánh bắt thắng lợi, đời sống ngư dân ấm no hạnh phúc.
Song song phần lễ, phần hội trong dịp này cũng được tổ chức khá sôi nổi, vui tươi, lành mạnh với các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao mang đậm sắc thái của ngư dân vùng biển như: thi đan lưới, thi làm gỏi cá, ngoáy thúng, hô bài chòi; các môn thể thao: bóng đá bãi biển, kéo co, đẩy gậy với sự tham gia của các phường chài …
Riêng các tiết mục văn nghệ tại lễ hội, ngoài hát tuồng, hát hò khoan, còn có một hình thức múa hát đặc trưng của Lễ hội Cầu ngư là múa hát bả trạo diễn tả tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong một con thuyền, vượt qua sóng to gió cả, mang về một mùa bội thu…
Ngay sau lễ hội cầu Ngư diễn ra, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân Tp Đà Nẵng đã xuất hành ra khơi để “ hái lộc biển đầu năm”.
Được biết, Lễ hội Cầu ngư của ngư dân Đà Nẵng hiện đã trở thành nét văn hóa truyền thống và tâm linh của bà con đi biển, đồng thời là hoạt động đã thành thông lệ được tổ chức vào tháng giêng âm lịch hàng năm tại bãi biển đường Nguyễn Tất Thành Tp Đà Nẵng.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa thì, Lễ hội Cầu ngư là lễ hội lớn nhất của ngư dân Đà Nẵng, được tổ chức ở những vùng ven biển như Mân Thái, Thọ Quang, Thanh Lộc Đán, Xuân Hà, Hòa Hiệp…
Lễ hội này gắn liền với tục thờ Cá Ông (cá voi), thể hiện sự tôn kính thần linh nói chung và loài Cá Ông nói riêng của bà con ngư dân (bởi đây là loài cá mà ngư dân cho rằng thường xuyên cứu giúp ngư dân mỗi khi gặp nạn trên biển).
Lễ hội bày tỏ khát vọng được bình yên trong cuộc sống của ngư dân, những con người luôn phải đối mặt với nhiều bất trắc khi lênh đênh trên biển cả và mọng cho mưa thuận, gió lặng để có một mùa đánh bắt bội thu.